Chuyên trang thông tin...

[-] Tận thấy những cây chè cổ trên núi Bóng | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Tận thấy những cây chè cổ trên núi Bóng

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 60 |  Bản in  | Cỡ chữ


Một số cây chè đang ra hoa

Vài năm trước, thông tin phát hiện những cây chè cổ bên cạnh khu đất được cho là thành nhà Mạc trên núi Bóng thuộc xã Minh Tiến, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thu hút sự chú ý của dư luận. Chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu và gần đây mới có cơ hội trải nghiệm thực tế.

Người được UBND xã Minh Tiến cử đưa chúng tôi lên núi Bóng là ông Nguyễn Văn Thụy, dân tộc Tày, xóm Lưu Quang 5. Ông Thụy còn có biệt danh là “vua rừng”, bởi gia đình ông sinh sống ở đây đã lâu và làm nghề thuốc nam, ông thường lên rừng tìm cây thuốc, hái lá chè cổ về nấu cao nên khá tường tận. Núi Bóng có độ cao 851 m so với mực nước biển, nằm sâu trong rừng nguyên sinh. Khu rừng trùng điệp chia thành ba khu vực rõ rệt: Bên ngoài là rừng nứa, tiếp đến là rừng vầu, rừng cây gỗ lớn ở phía trong. Sau nửa ngày leo núi, chúng tôi đến một đám đất rộng rãi, khá bằng phẳng và gặp hơn chục cây chè có đường kính khoảng 40 cm, cao trên 15 m, thân nhẵn, màu xám. Cách không xa là một số cây chè khác kích thước lớn và nhỏ hơn. Lá chè có màu xanh sẫm, to và dài hơn lá chè lai F1 đang trồng nhiều ở Thái Nguyên. Nhấm lá chè tươi, tôi khá bất ngờ vì vị chè chát nhẹ, thơm ngọt như chè Bát tiên. Ông Thụy kể: Gia đình ông có nghề làm thuốc nam nên từ nhỏ ông đã theo người lớn lên rừng và được biết những cây chè này. Theo kinh nghiệm của các cụ, chè lâu năm trong rừng có nhiều dưỡng chất và dược chất. Ông thường hái lá chè đun nước uống, nấu cao chè thêm vào một số bài thuốc. Thi thoảng ông vẫn hái búp chè mang về sao lên uống hoặc dành biếu người thân. Do cây chè cao, mọc thẳng nên phải chặt cây vầu làm thang trèo và rất khó với tới ngọn để hái. Mỗi lần đi rừng ông cũng chỉ hái được số búp sao lên được khoảng một cân chè khô.

Chúng tôi thấy hoa chè và hạt chè rụng đầy dưới gốc. Hoa chè màu vàng tươi, cũng giống mọi loại hoa chè khác. Gió rừng làm hoa chè nhẹ nhàng rơi như những bông hoa nắng. Hạt chè có màu nhạt hơn đôi chút so với các loại hạt chè vườn. Gần các cây chè cổ có nhiều cây chè nhỏ mới mọc. Ông Thụy nói mình đã mang những hạt chè này về ngâm nước một đêm rồi trồng, cây hiện đang sống khỏe. Nhìn mặt đất cằn cỗi, lởm chởm sỏi đá, những thân vầu gầy guộc xen kẹp nhiều loại cây khác, tôi bất chợt thương những cây chè nhỏ. Có lẽ hạt chè không được vùi trong đất sẽ không thể nảy mầm. Những cây may mắn mọc lên cũng khó có thể phát triển trong điều kiện khắc nghiệt của rừng. Tranh thủ nhặt vô số hạt chè cho vào ba lô, chúng tôi lại vội vã tiếp tục cuộc hành trình.

Qua khu rừng vầu tới đoạn dốc đứng, ông Thụy chỉ cho chúng tôi một gốc chè được chặt hết vầu xung quanh, còn một đoạn dây mắc trên cao và nói: “Đây là cây chè cổ nhất trong rừng, tôi đã trèo lên đo được 25 m, nếu tới tận ngọn chắc cao thêm độ 2 - 3 m nữa. Theo tuổi cụ sinh ra cụ tôi và tới tôi hiện nay 60 tuổi thì cây chè này khoảng 300 năm tuổi”. Ông vòng tay ôm cây chè cho chúng tôi chụp ảnh và chúng tôi cũng nhờ ông chụp những bức hình lưu niệm. Gần cây chè cổ nhất có vài cây cao chừng 8 - 10 m. Ông cho biết trên núi Bóng còn trên 30 cây chè cổ ông đã tìm, đánh dấu và trèo lên hái lá, búp chè. Chúng tôi muốn lấy ít lá mang về đun nước nuống, ông nhanh nhẹn trèo lên chặt vài cành, bởi không thể có vị trí đứng hái. Qua đoạn dốc ngắn, chúng tôi tới một bờ đất cao, phía trong có hố trũng, ông Thụy bảo đời trước truyền lại đây là khu “Thành nhà Mạc”. Hố trũng chính là ang nước dùng cho quân lính trong thành. Quan sát kĩ tôi thấy nhiều khả năng những bờ đất cao đúng là do con người đào đắp và hình dạng thành lũy dù bị sạt lở cũng không khó để nhận ra.

Chúng tôi về tới nhà ông Thụy thì trời đã tối mịt. Ông lấy một miếng nhỏ cao chè cho vào ấm nước sôi. Tôi nhấp thấy vị chè đậm, đắng nhẹ, lại có chút chát ngọt. Ông chắt thìa mật ong khuấy đều rót mời chúng tôi uống. Ông từ tốn: “Ta đi mệt, uống vài chén trà mật ong cơ thể sẽ nhanh hồi phục. Thứ nước uống này không chỉ giải nhiệt mà còn mát gan, bổ thận…”.

Hoa chè của một cây cổ thụ

Những cây chè cổ trên núi Bóng là có thật, tuy nhiên nó không quá lớn và chỉ rải rác dọc đường lên vị trí được cho là “Thành nhà Mạc”, không có nhiều để gọi là rừng. Những cây chè này do người trồng theo nhìn nhận của bà con địa phương là có cơ sở, bởi cây chè không tự nhiên mọc theo một lối. Một số người uống thử nước lá chè tươi và chè búp khô đều cho rằng vị chè giống với chè Bát tiên. Vậy liệu có sự tương đồng nào đó so với những giống chè cổ còn tồn tại ở các tỉnh miền núi phía Bắc?

Chuyến hành trình của chúng tôi chỉ với mục đích đi tìm sự thật về những cây chè cổ và “Thành nhà Mạc” để kiểm chứng thông tin. Phế tích còn lại của thành lũy ít nhiều gợi mở về bí mật còn ẩn chứa. Phải chăng những cây chè cổ có mối liên hệ nào đó với giai đoạn lịch sử đầy biến cố của nhà Mạc?

Thiết nghĩ việc phát hiện những cây chè cổ trên núi Bóng rất có giá trị trong việc nghiên cứu về cây chè Thái Nguyên. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang tiếp tục làm rõ nguồn gốc, lý do tồn tại và có phương án bảo vệ, nhân giống những cây chè cổ trên núi Bóng để chè Thái Nguyên ngày càng được nâng tầm trong không gian phát triển mới./.

CTV Phan Thái
thainguyen.gov.vn


Cập nhật: Ngày 28 tháng mười năm 2023
Nguồn thainguyen.gov.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...