Chuyên trang thông tin...

[-] Xuân về trên những đồi chè Ba Vì | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Xuân về trên những đồi chè Ba Vì

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 5292 |  Bản in  | Cỡ chữ

HNP - Thoáng trên lưng chừng núi Ba Vì nhấp nhô tràn ngập một màu xanh tươi tắn, những ngôi nhà mới nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Những cái bắt tay thân mật, những lời thăm hỏi tràn đầy yêu thương tặng cho nhau lời chúc chân thành... để thấy lòng mình như tan ra trong ấm áp mùa Xuân. Phải chăng có sự đổi thay kỳ diệu của đồng bào người Mường, người Dao ở đây.


 

Chúng tôi lên xã Ba Trại huyện Ba Vì trong những ngày xuân, bỏ lại phía sau những con đường dốc ngoằn nghèo lượn quanh sườn đồi. Mưa xuân lất phất làm cho làng nghề trăm năm tuổi này như trẻ lại. Từ trên cao nhìn xuống, bên những con đường liên thôn nhấp nhô mọc lên nhiều ngôi nhà lớn của người Mường, người Dao mới xây còn thơm mùi sơn chẳng kém gì miền xuôi. Từng đàn trâu, bò gặm cỏ thấp thoáng ẩn hiện dưới những đốm cây tươi tốt. Đẹp hơn là những cô gái người Dao da trắng bên những vạt chè soi mình xuống dưới những giọt mưa xuân còn đọng lại trên những bút trè xanh.

Thật không ngờ ở đất này, ngoài “đặc sản” sữa bò lại có cả một vùng bạt ngàn chè xanh đến như vậy. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì tâm sự: Ở đây nhà nào cũng trồng chè, làm chè, dựa vào chè để sống. Chè Ba Trại chất lượng ngày càng ngon không thua kém gì chè Thái Nguyên. Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận thấy được hương thơm ngai ngái của ngọn chè tươi đang được hái. Người dân nơi đây gắn bó với cây chè từ thủa còn lọt lòng.

Cây chè là một loại cây dễ trồng nhất trên mảnh đất sỏi đá này. Ở những mảnh đất khô cằn mà cây chè vẫn có thể sống được. Cây chè đã trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo" ở bảy xã miền núi này. Năm nay chè phát triển tốt lắm các anh ạ, trung bình mỗi mẫu có thể thu từ 70kg đến 80kg chè búp tươi/lứa, một năm 7 lứa, trừ đi các phải chi phí gia đình cũng thu được vài chục triệu đồng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì phân trần.

Vượt qua con đường đất đỏ, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Ba Trại. Sau cái bắt tay nồng ấm, thân tình, Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho hay: Xã Ba Trại có diện tích hơn 447ha, khoảng 12.000 nhân khẩu chuyên trồng chè, sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm chè búp. Xã có 9 làng trồng chè đã được công nhận là làng nghề truyền thống thì làng nghề Đô với tiểu khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt nên chè rất thơm ngon chát dịu, nước xanh không thua kém chè Tân Cương của Thái Nguyên. Có lẽ vì điều này, nên những năm qua, đã có nhiều công ty liên doanh, đơn vị đã chọn Ba Vì làm điểm đến để trồng và chế biến chè. Công ty cổ phần chè Việt Mông là một điển hình như vậy. Bà Đặng Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chè Việt Mông là một trong những doanh nhân nổi tiếng được “làng” chè xuất khẩu trong cả nước ghi nhận và tôn vinh về thành tích xuất khẩu chè trong năm qua nói: “Chúng tôi tin vào tiềm năng cây chè của huyện Ba Vì”. Chẳng thế mà cuối năm 2006, Công ty của bà Nguyệt đã mạnh dạn đầu tư trên 1 triệu USD để lắp đặt một dây chuyền sản xuất chè CTC xuất khẩu hiện đại, công suất chế biến 25 tấn chè tươi/ngày tại Nông trường Việt Mông. Cũng từ đây, sản phẩm chè của Ba Vì đã vươn ra có mặt ở các thị trường các nước như: Ấn Độ, Pakistan, Đức, Hà Lan, Anh... 
Năm vừa qua, Công ty xuất trên 1.000 tấn chè búp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 công nhân, với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tạo việc làm gián tiếp cho hàng nghìn hộ gia đình, Công ty còn hỗ trợ giống, phân bón cho hàng trăm hộ trồng chè, giúp các hộ vượt qua khó khăn, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất chè chọn Ba Vì làm điểm đến an lành, cũng đã có nhiều hơn những khu dân cư của người miền xuôi lên đây phát triển kinh tế trang trại. Những con dốc ngày nào vắng bóng người giờ đã tấp nập mang dáng dấp bộ mặt nông thôn mới. Đời sống của người dân trồng chè cũng đã có nhiều đổi thay, nhà cao tầng, biệt thự… dần thay thế cho những căn nhà gỗ. Nhịp sống hiện đại làm mất dần đi vẻ trầm lặng của điền trang thuở nào, dù ở thẳm sâu trong nó vẫn còn ẩn hiện những dấu vết xưa.

Bí thư Huyện ủy huyện Ba Vì Hoàng Thanh Vân phấn khởi cho biết: Ba Vì có hai loại chè, loại trung du lá nhỏ diện tích hơn 900ha, chè PH1 gần 450ha, ngoài ra còn một số giống khác như: Ô long, LĐP1, Kim Tuyên trồng tập trung ở một số xã khu vực Ba Trại và Nông trường Việt Mông. Cây trồng này từng bước lấy lại chỗ đứng trong cơ cấu cây trồng lâu năm của huyện. Chỉ tính riêng các nhà máy chế biến chè trên địa bàn năm nay đạt sản lượng trên 2.000 tấn chè búp khô (chưa kể các hộ dân trồng chè). Thị trường lại ổn định, chè luôn giữ ở mức cao, từ 50.000 - 100.000 đồng/kg chè khô, làm tốt có thể thu nhập bình quân từ 50 – 70 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác nên đời sống của người nông dân cũng được cải thiện đáng kể. Để tiếp sức cho cây chè, huyện Ba Vì quy hoạch phát triển đến năm 2010 trồng 2.000ha chè. Cùng với đó là dự án làm sống lại dòng sống lại dòng sông Tích, Ba Vì sẽ thực hiện đồng bộ cả 3 mục tiêu: Tưới tiêu, du lịch và nuôi trồng thuỷ sản lúc đó những đồi bãi khô cằn, cây chè của người Dao, người Mường Ba Vì thoả sức tắm mát. Sức sống mới trên vùng đất núi Tản hùng vĩ tiếp tục tỏa ngát hương chè đón mùa xuân mới.

H. Hải


Cập nhật: Ngày 06 tháng hai năm 2016
Nguồn hanoi.gov.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...