Chuyên trang thông tin...

[-] Chuyện cây chè cổ vùng Cùa | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Chuyện cây chè cổ vùng Cùa

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 6049 |  Bản in  | Cỡ chữ
(QT) - Dù hiệu quả kinh tế của cây chè mang lại không cao, nhưng nhiều hộ dân ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bao năm nay vẫn không ngừng dày công chăm sóc, vun bón. Đến bây giờ, ở vùng Cùa có những vườn chè xanh hàng trăm năm tuổi đâm chồi, trổ lá dưới bàn tay chăm bón của những người nặng lòng với kỷ niệm xa xưa… 

Trong khuôn viên của gia đình ông Nguyễn Ngọc Trí (50 tuổi), trú ở thôn Mai Lộc 3, xã Cam Chính có gần 500 gốc chè xanh với tuổi đời trên 200 năm tuổi. Những gốc chè ở vườn ông Trí có chiều cao 2- 5 m, đường kính rộng từ 15- 40 cm, thân cây xù xì in nhiều vết sẹo lồi lõm do bom đạn thời chiến tranh và dường như đây chính là “chứng chỉ” duy nhất mà thời gian trao gửi lại. “Thuở nhỏ tôi nghe ông nội kể rằng vườn chè của gia đình được cố vãi mang giống từ đất Bắc vào trồng. Tính đến đời tôi bây giờ, vườn chè này đã đi qua bốn, năm đời người rồi. Thời chiến tranh, vườn chè này bị bom đạn cày xới khiến nhiều cây bị bật gốc, nhưng dẫu vậy chúng vẫn vươn lên và đâm chồi, trổ lá mãi đến tận bây giờ ”, ông Trí nhớ lại. 

Một vườn chè cổ ở vùng Cùa


Thời điểm này, vườn chè của gia đình ông Trí đang trong thời kỳ trổ lá. Ông Trí cho biết, một năm ông thu hoạch lá chè xanh 2 đợt chính, đó là vào tháng 4 và tháng 9 âm lịch. Trung bình một cây chè của gia đình ông mỗi năm thu hoạch khoảng 10 kg lá với giá bán ra thị trường thường dao động trong khoảng 5- 10 ngàn đồng/kg. Bây giờ, cứ đến mỗi đợt thu hoạch chè xanh, ông Trí chỉ cần nhấc điện thoại là có người vào tận nơi để thu gom, đem bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Còn về việc chăm sóc cây chè thì cũng khá dễ dàng, chỉ cần làm cỏ thật sạch xung quanh gốc chè mà không phải dùng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật gì cả, cây chè cứ tự mình hấp thụ khí trời và sương mai để đâm chồi, nảy lộc. Trong đời cây rất hiếm khi gặp bệnh tật, bởi sức chịu đựng của cây chè rất tốt cho dù sống trên đất cằn khô hay sỏi đá bạc màu. Cây chè tuổi càng cao thì cho lá uống càng ngon và đậm đà. 

Gắn bó cùng mảnh vườn từ tuổi ấu thơ cho đến tận bây giờ nên ông Trí vẫn giữ nguyên vẹn những kỷ niệm buồn vui cùng với cây chè. Đó là những buổi trưa hè cùng bè bạn chơi đuổi bắt, trốn tìm bên gốc chè hay mắc võng dưới tán chè nghe người lớn kể chuyện. Đó là những lần cùng với người mạ quá cố chọn bứt những nhánh chè xanh để sớm mai chất thành bó gánh xuống chợ Đông Hà bán. Những kỷ niệm tuy đơn sơ nhưng ông nhớ tận đến bây giờ… Chính vì nặng lòng với ký ức nên thời gian qua có nhiều người đến trả giá rất cao để mua lại vườn chè này nhưng ông Trí không bán. Ông vẫn thường dặn dò các con mình hãy cố gìn giữ và chăm sóc vườn chè để nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình… 

Cũng giống như ông Trí, vườn bà Nguyễn Thị Chắt (90 tuổi) ở thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, có hơn 100 gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Chắt vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Bà Chắt cho biết: “Vườn chè này được trồng từ thời ông cố của tôi và tồn tại đến tận bây giờ. Hồi trước chiến tranh, bom đạn phạt ngang, phạt dọc làm bật cả gốc, nhiều cây bị chết nên bây giờ chỉ còn lại khoảng hơn 100 cây mà thôi. Tiếc lắm…”. Nghe đâu mới năm ngoái, con cháu của bà bứng một gốc chè mọc hơi dày bán đi mà không qua ý kiến của bà nên bà giận đến bỏ ăn. Bà vẫn thường nói với con cháu rằng những gốc chè này do ông cha để lại, khi cần tiền thì hái lá mà bán chớ không được phá hay bứng gốc bán. Sau lần đó, không ai dám bứng đi một gốc chè nào nữa, bởi con cháu sợ bà Chắt lại buồn lòng, không chịu cơm nước rồi sinh ốm đau. 

Nhiều người dân xã Cam Nghĩa nói rằng, dù đã uống nước chè nhiều nơi nhưng không thấy nơi nào có ngon như ở quê hương mình. Mà cũng lạ, cây chè vùng Cùa phải được nấu bằng nước giếng đào trên đất Cùa mới thơm ngon hơn lấy nước từ nơi khác nấu. Trước tình trạng có nhiều người đi săn lùng cây chè cổ về làm cảnh, thời gian qua chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, động viên để bà con gìn giữ, chăm sóc số chè cổ còn lại… 

Bài, ảnh: ĐỨC NGHĨA

Cập nhật: Ngày 29 tháng năm năm 2016
Nguồn baoquangtri.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...