Chuyên trang thông tin...

[-] Cây chè có nguồn gốc từ đâu ? | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Cây chè có nguồn gốc từ đâu ?

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 929 |  Bản in  | Cỡ chữ

Người Việt Nam và thế giới đã biết sử dụng trà làm thức uống từ xa xưa, nhưng cây chè có từ khi nào, nguyên sản của nó ở đâu còn là một cậu hỏi đầy thú vị!

“Quê hương của cây chè” hoặc nói theo các nhà chuyên môn thì “nguyên sản” xa xưa của cây chè ở đâu ? Đó là một vấn đề khoa học và đồng thời là một vấn đề kinh tế rất lớn. Xét nguồn gốc nguyên sản của một cây trồng thường có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực dẫn giống nhập giống vào một nơi mới, đồng thời còn có ý nghĩa về lịch sử văn minh, văn hoá, ngôn ngữ của một dân tộc. Cây chè từ xưa đến nay vẫn được coi là một trong những căn cứ khoa học để xác định trung tâm của nguồn gốc cây trồng, để phản ánh nền văn minh của loài người.

Nhà thiên nhiên học Thuỵ Điển Carl von Linne nổi tiếng về những công trình thực vật học từ hơn hai thế kỷ nay đã đặt tên khoa học cho cây chè là Thea sinensis có nghĩa là, chè Trung Quốc. Vấn đề đến đây tưởng như đã được dứt điểm nhưng thực ra mới chỉ bắt đầu, vì cũng có ý kiến cho rằng còn có cây chè Ấn Độ, nguyên sản cây chè ngày nay là ở vùng At Sam.

Theo Lucien guiot (1964) các nơi mọc tự nhiên của cây chè (thea sinensis) ở vào các vùng núi miền tây nam Trung Quốc và bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Lào, Thái lan, Bắc Miến Điện). Khi đặt tên cho cây chè, chắc Linne không ngờ là đã khơi ngòi cho một cuộc tranh cãi diễn ra gần 200 năm.

Từ cây chè nguyên thuỷ được phát hiện ra từ 4-5 nghìn năm trước đây, chè được nhân lên và nhân lên mãi để đem đi trồng trên gần khắp thế giới

Chè là một loài cây có lịch sử trồng trọt lâu đời nhất. Nhà thực vât học Thuỵ Sĩ Candolle (1788-1881) đã xếp chè vào loại A tức là đã được trồng trên 400 năm. Nhưng chè phát triển không nhanh lắm so với một vài cây khác, thuốc lá chẳng hạn. Nếu như đầu thế kỷ thứ 16 ở Châu Âu mới chỉ có một số thuỷ thủ, con buôn và thực dân Tây Ban Nha thường qua lại châu Mỹ biết hút thuốc lá, và phải mua thuốc của người da đỏ để hút, thỉ tới thế kỷ 17 toàn Châu Âu, đã trồng được thuốc lá để hút. Cũng vì thế người Mỹ đã đặt cho việc hút thuốc lá ngày nay là “bệnh dịch hạch của thế kỷ 20 “

Theo truyền thuyết rất cổ xưa, chè được dùng từ lâu ở Việt Nam (Đông Dương), Trung Quốc, nhưng bước lan truyền của cây chè không nhanh như cây thuốc lá. Hơn hai nghìn năm sau chè mới từ Trung Quốc sang được tới nước láng giềng phía đông cho nên ở Nhật Bản phải 729 năm sau công nguyên mới thấy sử sách nói đến chè. Thực ra từ mấy thế kỷ trước, nước Nhật Bản đã nhập chè Trung quốc, lúc đó có lẽ chè là một trong những mặt hàng quý giá nhất vì nước Nhật chưa trồng được chè.

Đẩu thế kỷ thứ 9, ở Nhật bản người ta thấy bắt đầu có sự cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào nước ngoài và chè lấy giống từ Trung Quốc về được trồng thử ở vùng Kyoto vào những năm 805-810. Chè mọc rất tốt ở đây, nước rất đậm, nhưng sản lượng chưa được là bao nhiêu, nên chè vẫn là của hiếm, chỉ nhà vua mới có khả năng dùng. Thêm nữa thì may chăng đến các tầng lớp quý tộc trong Triều đình, và một số nhà sư cấp cao cùng uống chè để giữ tỉnh táo trong khi tụng kinh. Ít lâu sau, Nhật Hoàng Saga, rất thích tập quán uống chè đã ra lệnh dùng chè phổ biến trong cả nước, cả nước Nhật Bản phải uống chè, đó là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của sự tích cây chè ở Nhật Bản.

Tới thế kỷ 14, xuất hiện một kiểu tiêu khiển độc đáo ở Nhật Bản gọi là “Ta-Cha” thực ra là một cuộc thi nếm nước chè, một trò chơi rất thanh tao và thú vị, nhưng cũng khá khó. Người tham gia phải nếm nhiều loại chè đưa từ nhiều nơi đến để chọn ra loại nào ngon nhất ai chọn đúng thì được giải. Trò chơi này phát triển rất nhanh, do đó việc trồng chè càng được mở rộng ở Nhật Bản.
Chè cũng được trồng ở Triều Tiên tương đối sớm, ngay năm 828, tuy vậy so với Trung Quốc thì cũng đã chậm hơn gần 500 năm (có tài liệu nói ở Trung Quốc chè bắt đầu được trồng 330 năm sau công nguyên).

Tiếp đó sau một thời gian đình đốn kéo dài 1000 năm, phong trào trồng chè mới lại bùng lên được. Lần này không phải chỉ ở châu Á mà cả châu Âu và châu Phi nữa.

Ở Việt Nam chúng ta đã trồng chè từ lâu rồi vì thế thực dân Pháp đã biết nơi này là một trong những quê hương của chè nên năm 1924 -1925 họ đã thành lập một công ty kinh doanh chè và tổ chức trại nghiên cứu chè ở Phú Thọ để phát triển các đồn điền trồng chè ở miền Bắc nước ta. Tiếp đó, chè được trồng ở Thái Nguyên, Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khác.

Năm 1924 – 1926 người inđônêxia mới trồng chè thí nghiệm trên đảo Giava và Xumatra.

Còn Ấn Độ đã phát triển nghề trồng chè từ năm 1934, mặc dù đã thất bại trong việc trồng thử chè ở Calcuta vào năm 1780.
Các nước láng giềng, cũng tiếp tục phát triển nghề trổng chè như Srilanca vào năm 1942 và Hungary – 1946.

Trong thời gian này, cây chè còn lan tới 2 Châu khác là châu Phi và Nam Mỹ (Braxin). 1898 – 1900 Iran cũng bắt đầu trồng rồi đến Urganda (1900), Môdămbich, Bungary (1920), Rumany (1920-1930) Thổ Nhĩ Kỳ (1938). Sau đại chiến lần thứ 2, chè lan đến cả phía bắc nước Ý.

Ở nước Nga chè chính thức được trồng từ 1883, nhưng ngay từ năm 1792 trên báo chí đã thấy có bài của Sivers “Làm thế nào để trồng chè ở nước Nga”. Tác giả có đề nghị lấy cành chè ở Nhật về trồng, nhưng rồi chẳng ai hưởng ứng. Sách có ghi lại rằng năm 1834, mặc dầu Saliustij đã chứng minh một cách rất thuyết phục là có thể trồng được chè ở Nga, Nga hoàng cũng chẳng quan tâm đến vấn đề này.

Năm 1864 trong một cuộc triển lãm công nghiệp, người ta đã thấy trưng bày mẫu chè Capcadơ, nhưng vì chất lượng quá kém nên không địch nổi chè Trung Quốc tiếp đó người Nga đã tổ chức những cuộc hành trình đi Nhật và Trung Quốc mua giống chè về, nhưng vẫn thất bại vì hạt bị mốc, trồng không thấy hạt nào mọc. Sau này mới biết là các trại chủ Nhật, Trung Quốc và cả người Anh nữa đã nhúng hạt giống vào nước nóng trước khi bán, vì họ không muốn mất một mối lợi kếch xù hàng năm nước Nga vẫn phải nhập chè bằng hàng triệu rúp tiền vàng.

Sử sách của nhiều nước khác cũng nói đến chè rất sớm, nhưng chỉ là chè thương phẩm mua của Trung Quốc, chứ không phải là cây chè họ trồng được, càng không phải là cây chè mọc tự nhiên ở nước họ. ở phương Tây, quyển sách đầu tiên nói đến chè in năm 1559 của Jovani Batesta Ramudỉo (1485-1557). Sách đầu tiên nước Anh nói đến chè vào năm 1598, còn ở Bồ Đào Nha là 1600.

Chè đã đi bước đi hơn 4000 năm. Giá cứ để mặc cây chè với thiên nhiên và để cho quy luật quần thể sinh vật tác động thì có lẽ hàng triệu năm nữa cây chè vẫn chưa ra khỏi nơi nguyên sản. Nhưng do bị nhu cầu rất lớn của thị trường quốc tế thúc ép, có tác động của con người, các vườn chè trên thế giới theo thời gian cứ tăng mãi lên. Ngày nay đã có 3- 4 chục nước trồng chè ở quy mô lớn chưa kể hàng chục nước khác đang trồng thử, để phát triển. Uỷ ban quốc tế về chè đã tính toán, sản lượng chè toàn thế giới năm 1970 đã vượt 1 triệu 30 vạn tấn/năm trong đó chè Ấn Độ và Xri Lanca chiếm tới một nửa.

Khu vực nguyên sản của cây chè tự nhiên

Hiện nay phần đông các nhà bác học thế giới đã thống nhất là quê hương xa xưa của cây chè không phải nằm gọn trong một nước, mà là cả một vùng rộng lớn bao gồm phía nam Trung Quốc (Tỉnh Vân Nam), vùng phía bắc Miến Điện, vòng sang tỉnh At-sam và cả phía bắc Việt Nam của chúng ta nữa.

Từ trung tâm nguyên sản này, chè đã lan rộng ra các vùng lân cận như Campuchia, Thái Lan… chia thành hai nhánh theo phân vùng địa lý. Một nhánh phát triển lên phía bắc, còn một nhánh đi về phía nam.

Điều kiện khí hậu ở khu trung tâm là tỉnh Vân Nam thật là lý tưởng đối với chè, vì rất phù hợp với đặc tính thực vật và sinh học của cây chè. Người ta vẫn thường nói ở đó xuân về cả bốn mùa. Quanh năm, điều kiện sinh thái ở ngoài trời lý tưởng như điều kiện nhân tạo trong nhà kính ở các trại trổng chè, không lạnh quá và cũng không khô quá. Trong không khí lúc nào cũng đầy hơi nước bốc lên “một thứ hơi ấm áp, êm dịu gần như hơi trắng của sữa, một cái gì mà hình như có thể sờ mó thấy”. Cách mô tả của tác giả nào đó kể cũng hơi văn nghệ, nhưng đúng là cây chè cần môi trường như thế. Chè ở Vân Nam mọc và nảy chồi quanh năm, cây xoè rộng, lá to và có màu xanh thẫm.

Tiến lên phía bắc, cây chè nhỏ dần đi, và càng lên xa, chè càng khó phát triển. Từ những cây cao lớn kích thước chè thu dần lại, biến thành những cây bụi. Lá chè cũng càng ngày càng nhỏ và càng cứng hơn. Mỗi năm, lá non chỉ mọc được 2-3 lần, có khi chỉ thấy xuất hiện vào mùa xuân. Ngược lại, nếu đi về phía nam, qua vùng rừng núi nước ta và các nước Đông Dương sang tới Ấn Độ thì càng gần xích đạo với những mùa hè nóng nực khác hẳn ở Vân Nam, cây chè càng biến đổi hình dáng, phát triển mạnh hơn và có lá to hơn.
Ở các vùng Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, chúng ta phát hiện đươc trên 41.000 cây chè mọc hoang. Cây to như cây cổ thụ, có cây bằng cây đa, đường kính tán rộng tới 14m, gốc cây tới 80 cm đường kính, có cây 2-3 người ôm không xuể. Chúng ra đã thấy cây chè cổ 300 tuổi tìm thấy ở Suối Giàng, theo ảnh chụp ở phụ trương bảo nhân Dân ngày 7/8/1977.

Một điều lý thú là khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng đặc biệt ở nước ta đã mang lại cho những cây chè khổng lồ, còn sống tới bây giờ, những nét đặc trưng kỳ lạ. Có những cây có búp lá dựng đứng, nhưng cũng có cây búp lại nằm ngang hay chúc xuống. Những cây chè này đã sinh ra bao đời con cháu rồi, nhưng sức vẫn như đang tuổi thanh xuân. Mỗi năm vẫn cho thu hoạch 4 vụ. Mỗi cây mỗi vụ thu được từ 20 đến 30 kg búp.

Theo các tài liệu, thứ chè átsam có năng suất trong vòng 50 năm, nếu thu hái nhiều thì chỉ được 30-40 năm. Xem vậy giống chè Việt Nam chẳng thua kém các giống chè khác.

Điều đáng quý nữa là búp lá chè cổ thụ ở Suối Giàng to mập gấp 2- 3 lần so với búp chè ở những nơi khác, chất lượng chè lại cao, vị đậm, ngon nước. Chè Suối Giàng rất được nước, màu nước trong xanh rất đẹp. Không phải chỉ ở nước thứ nhất, mà nước thứ hai và thứ ba vẫn còn thơm ngon. Xác định được quê hương cho cây chè, các nhà bác học nghiên cứu chè biết được sẽ phải đến nơi nào để chọn giống. Chúng ta cũng có cơ sở về mặt sinh học và hoá sinh học để theo dõi những biến đổi trong cây chè mỗi khi di thực nó đến nơi xa lạ. Các bạn trồng chè cũng thấy được khả năng kỳ lạ của chè dễ thích nghi với ngoại cảnh để cung cấp cho con người một sản lượng lá ngày càng tăng.

PGS Đỗ Ngọc Quỹ/cheviet.vn sưu tầm


Cập nhật: Ngày 26 tháng mười một năm 2016
Nguồn cheviet.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...